Hiểu được tính cách của con sẽ giúp ba mẹ định hướng để con phát triển theo hướng phù hợp nhất. Mỗi đứa trẻ đều có những nét tính cách đặc biệt và độc đáo theo cách riêng của chúng. Có trẻ hướng nội, cũng có trẻ hướng ngoại.
Trẻ hướng ngoại thích được chia sẻ ý kiến, quan điểm riêng, không ngần ngại bảo vệ lập trường và thích truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
Trẻ hướng nội thường chỉ có 1-2 bạn thân bởi muốn chất lượng mối quan hệ thay vì số lượng; quyết định dựa trên quan điểm riêng, không theo đám đông.
Dưới đây là 8 đặc điểm giúp cha mẹ và thầy cô nhận biết trẻ hướng ngoại hay hướng nội
8 Dấu hiệu nhận biết trẻ hướng ngoại hay hướng nội
1. Bạo dạn
Một số đứa trẻ tỏ ra nhút nhát khi tiếp xúc với đám đông người lạ, chẳng hạn bạn bè ở sân chơi hoặc ngày đầu tiên đi học. Tuy nhiên, trẻ hướng ngoại có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, làm quen với những người lần đầu gặp mặt. Các em yêu thích khám phá, tham gia thử thách hoặc sáng tạo trò chơi mới.
2. Hoạt ngôn
Trẻ hướng ngoại thích tương tác với mọi người xung quanh theo nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là trò chuyện. Các em thích được giao tiếp, thậm chí không cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu đề tài dù đã nói rất nhiều. Khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, các em thích ở cạnh những người hoạt ngôn giống mình.
Khác với trẻ hướng nội suy nghĩ trong im lặng, trẻ hướng ngoại vừa suy nghĩ vừa nói. Các em có thể cải thiện hành vi, nhận thức tốt hơn khi được nói ra những vấn đề khúc mắc trong lòng. Vì vậy, khi nuôi dạy trẻ hướng ngoại, phụ huynh nên dành nhiều thời gian lắng nghe và trò chuyện cùng con.
3. Thích hoạt động nhóm
Trái ngược với trẻ hướng nội thích tự mình thực hiện nhiệm vụ, trẻ hướng ngoại làm việc tốt nhất theo nhóm. Ví dụ, ở trường, các em thích tham gia câu lạc bộ, đội nhóm hoặc làm bài tập nhóm và đạt kết quả tốt hơn khi làm việc một mình.
Nhiều trẻ hướng ngoại còn xung phong làm nhóm trưởng để lãnh đạo hoặc thuyết phục mọi người làm theo ý tưởng của mình. Khả năng kết nối mọi người xung quanh là đặc điểm của trẻ hướng ngoại nên việc các em đóng vai trò lãnh đạo là bình thường. Các em cũng thích được tạo ảnh hưởng hoặc truyền cảm hứng cho mọi người.
4. Thích tham gia hoạt động xã hội
Không chỉ thường xuyên tham gia hoạt động nhóm, trẻ hướng ngoại thích các hoạt động xã hội, nơi quy tụ đông người và có những trò chơi theo nhóm. Sau khi hoạt động kết thúc, các em có thể cảm thấy buồn, luyến tiếc vì quá nhập tâm vào chúng. Ngoài ra, các em sẽ đi chơi cùng bạn bè nhiều hơn dành thời gian ở nhà một mình.
Được ở gần người khác giống như năng lượng tích cực đối với trẻ hướng ngoại. Phụ huynh có thể sử dụng đặc điểm này khi muốn thương lượng với con. Ví dụ, bạn có thể nói “Nếu con giúp mẹ làm việc nhà, mẹ sẽ cho con sang nhà bạn chơi” thì chắc chắn trẻ hướng ngoại sẽ đồng ý ngay lập tức.
5. Tự tin
Trẻ hướng ngoại không ngại ngần thể hiện bản thân và tính cách cá nhân. Các em có thể đứng lên chia sẻ ý kiến, quan điểm riêng, thậm chí đấu tranh đến cùng để bảo vệ chúng. Ngoài ra, trẻ hướng ngoại thường cởi mở với mọi người xung quanh, thể hiện cảm xúc tốt và rất hòa đồng.
Nhiều người cho rằng trẻ hướng ngoại hung hăng, dễ nổi nóng hoặc có hành vi bạo lực nhưng đây là quan điểm sai lầm. Dù có tính cách tự tin, sôi nổi, trẻ hướng ngoại không biến năng lượng tích cực thành hành vi bạo lực. Các em sử dụng năng lượng để hòa nhập với môi trường xung quanh và giao tiếp với mọi người.
6. Mọi người thích ở gần trẻ
Trẻ hướng ngoại thường mang lại nguồn năng lượng lạc quan, tích cực và gắn kết mọi người xung quanh. Các em cũng giỏi nghĩ ra các trò chơi hoặc lãnh đạo mọi người làm việc nhóm. Bởi vậy bạn bè thường thích vây quanh trẻ hướng ngoại. Nếu con bạn hướng ngoại, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhà bạn thường là nơi tụ tập những đứa trẻ ồn ào hoặc con bạn có rất nhiều bạn bè chơi cùng.
Ngoài ra, trẻ hướng ngoại được kích thích bởi mọi người xung quanh. Khi ở một mình, các em sẽ cảm thấy nhàm chán, buồn tẻ. Khi ở với bạn bè, các em sẽ nghĩ ra được nhiều ý tưởng sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ.
7. Không hay mất kiểm soát
Vì bản tính sôi nổi, nhiều người cho rằng trẻ hướng ngoại ương bướng, nghịch ngợm và mất kiểm soát. Trên thực tế, trẻ mất kiểm soát không thích được giúp đỡ, không suy nghĩ đến trách nhiệm của vấn đề trong khi ngược lại trẻ hướng ngoại thích được hòa nhập với mọi người và có khả năng chịu trách nhiệm cao.
Đôi khi trẻ hướng ngoại sẽ nói chen lời người khác nhưng phụ huynh có thể dạy con về tính kiên nhẫn. Các em sẽ lắng nghe và thay đổi vì trẻ hướng ngoại luôn muốn tốt hơn và tạo dấu ấn trong mắt mọi người.
8. Thể hiện cảm xúc tốt
Trẻ hướng ngoại không giỏi kìm nén cảm xúc và việc che giấu cảm xúc khiến các em khó chịu. Thay vì vậy, các em có xu hướng bộc lộ từ tức giận, buồn bã đến hạnh phúc. Cách thể hiện phổ biến nhất là chia sẻ bằng lời nói với mọi người xung quanh. Phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết cảm xúc của con thông qua hành vi hoặc lời nói, từ đó tìm cách chia sẻ và giải quyết vấn đề.
8 Dấu hiệu nhận biết trẻ hướng nội
1. Thế giới nội tâm phong phú
Những đứa trẻ hướng nội sống trong thế giới riêng được hình thành từ suy nghĩ, trí tưởng tượng sinh động mà người ngoài khó có thể thâm nhập. Trong thế giới của riêng mình, các em tập trung suy nghĩ, giải đáp những câu hỏi hoặc băn khoăn của bản thân.
Nghiên cứu cho thấy trẻ hướng nội thích chơi trò tưởng tượng và chơi một mình hoặc với 1-2 đứa trẻ khác. Các em thích dành thời gian riêng tư để đọc sách, vẽ tranh, chơi trò chơi điện tử.
Thế giới nội tâm phong phú có thể là con dao hai lưỡi bởi nó khiến trẻ tự cô lập bản thân, xa lánh mọi người xung quanh. Cha mẹ của những đứa trẻ hướng nội không nên ép buộc con rời xa thế giới nội tâm vì đây là nguồn kích thích trí tưởng tượng. Thay vào đó, bạn có thể đưa các con ra ngoài chơi, tương tác với bạn bè đồng trang lứa hoặc mọi người xung quanh.
2. Mối quan tâm sâu sắc với cuộc sống
Những đứa trẻ hướng nội không e dè đặt câu hỏi lớn hoặc hỏi khó về thế giới xung quanh. Các em muốn nắm rõ sự vận hành, quy luật của thế giới theo cách chi tiết nhất chứ không muốn thu về thông tin bề nổi hoặc hời hợt. Một số em gây ấn tượng bởi có thể tự suy ngẫm về tính đúng, sai trong hành vi và nhận thức của bản thân. Điều này được lý giải bởi trẻ hướng nội muốn tìm hiểu sâu về bản thân và thế giới xung quanh, muốn xây dựng giá trị quan vững chắc.
3. Quan sát trước, hành động sau
Khi vui chơi, trẻ hướng nội thích xem mọi người thực hiện trước khi tự mình tham gia. Khi được bố mẹ khuyến khích vui chơi, các em tỏ ra thận trọng, do dự hoặc hành động chậm chạp. Khi đã quen dần với các trò chơi, trẻ sẽ nhiệt tình, năng nổ hơn. Ngoài ra, khi ở môi trường quen thuộc như trong nhà, các em cũng nói nhiều và hoạt bát hơn khi ra ngoài.
4. Đưa ra quyết định theo quan điểm riêng
Suy nghĩ và nhận thức cá nhân tồn tại rất mạnh mẽ trong tâm trí của trẻ hướng nội nên các em thường đưa ra quyết định dựa trên quan điểm riêng, không đi theo đám đông. Các chuyên gia đánh giá đây là khía cạnh tích cực ở trẻ hướng nội vì giúp các em loại bỏ áp lực so sánh bản thân với mọi người xung quanh hoặc tâm lý số đông. Các em biết bản thân muốn gì hoặc phù hợp với điều gì để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình.
5. Cần nhiều thời gian để bộc lộ tính cách
Khi gặp người lạ mặt lần đầu, trẻ hướng nội thường tỏ ra rụt rè, xa cách nhưng các em sẽ thoải mái, cởi mở hơn với những người đã thân quen. Thông thường, trẻ hướng nội trò chuyện với mọi người xung quanh để hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của chúng hoặc của người khác.
Ngoài ra, trẻ hướng nội giỏi lắng nghe, quan tâm đến các vấn đề của người nói. Các em có thể nói chuyện nhẹ nhàng, thỉnh thoảng dừng lại để tìm kiếm ngôn ngữ thích hợp và ngừng nói nếu bị gián đoạn. Các em có thể nhìn đi chỗ khác để sắp xếp suy nghĩ trong đầu khi nói nhưng thường nhìn thẳng vào mắt đối phương khi lắng nghe. Khi không thể diễn đạt suy nghĩ trong đầu, các em sẽ tỏ ra thất vọng hoặc khó chịu.
Khi mới chập chững biết đi, trẻ hướng nội có thể bị cuốn hút bởi những cuốn sách vì sách cung cấp lượng ngôn ngữ dồi dào để hiểu và diễn tả những gì trẻ đang nghĩ và cảm nhận.
6. Gặp khó khăn khi làm việc nhóm
Trong những năm qua, tinh thần hướng ngoại đã trở thành lý tưởng cho các hoạt động xã hội. Mọi người ca ngợi sự quyết đoán, khuyến khích làm việc nhóm và thể hiện bản thân thay vì trầm tư suy nghĩ, làm việc một mình hay ra quyết định chậm rãi.
Các tiêu chuẩn về tinh thần hướng ngoại đối lập với đặc điểm của trẻ hướng nội. Bắt đầu từ khi đi học, các em đã phải làm quen, thích nghi với những hoạt động đòi hỏi sự năng nổ, hoạt bát. Đây có thể là thách thức với trẻ hướng nội nên bố mẹ cần quan tâm đến các hoạt động tập thể của con để khuyến khích hoặc đưa ra lời khuyên kịp thời giúp các em vượt qua.
7. Cách thức tương tác xã hội
Trẻ hướng nội thường chỉ có 1-2 người bạn thân, số còn lại đều coi như bạn bè bình thường bởi các em tìm kiếm chất lượng trong các mối quan hệ thay vì số lượng. Các em có thể giành nhiều thời gian tương tác xã hội như những đứa trẻ hướng ngoại nhưng sau đấy cần nghỉ ngơi để nạp năng lượng. Khi con bạn dành nhiều thời gian chơi với bạn bè, hãy để ý đến hành động, cảm xúc của chúng vào cuối ngày. Có thể các em sẽ tỏ ra khó chịu, cáu kỉnh, thậm chí khóc nếu có một ngày bận rộn.
8. Nhạy cảm với môi trường xung quanh
Năm 2004, hai nhà tâm lý học Harvard Jerome Kagan và Nancy Snidman đã thử nghiệm và phát hiện ra những đứa trẻ nhạy cảm với kích thích từ môi trường xung quanh khi lớn lên thường là người hướng nội, nhút nhát.
Trẻ có thể thích chơi một mình, phụ thuộc vào người khiến chúng cảm thấy an toàn hoặc khó chịu, bối rối khi xuất hiện trước đám đông hoặc môi trường mới. So với người hướng ngoại, người hướng nội không thích sự thay đổi hoặc tác động bất thường của ngoại cảnh.
Tính cách con cái bạn có thể khác tính cách của bạn, và với sự giúp đỡ của bạn, con cái sẽ có những biến đổi phong phú về tính cách để có được một cuộc sống hạnh phúc.
Đối xử thế nào với những đứa trẻ hướng nội hoặc hướng ngoại?
NẾU CON LÀ MỘT ĐỨA TRẺ HƯỚNG NỘI:
Ðầu mỗi năm học, trình bày với thầy giáo rằng con bạn cần có thời gian để thích nghi trước khi nó tham gia vào các hoạt động của lớp. Ðiều này sẽ chắc chắn rằng nó không bị làm lu mờ bởi những đứa bạn cùng lớp thẳng tính hơn.
Cho con bạn thời gian để trả lời. Những người hướng nội suy nghĩ kỹ mọi thứ và sẽ không trả lời cho đến khi họ có quyết định chính xác sẽ nói ra điều gì. Bạn cũng hãy tỏ ra tôn trọng sự tiến bộ chậm chạp của trẻ và đừng ngắt lời con.
Ðừng chế giễu con bạn. Một người hướng nội cần có thời gian để suy nghĩ và trả lời những câu hỏi… Nếu bạn tạm ngừng câu chuyện đều đặn để nghe con, nó có thể nói hết ý kiến của mình.
Tôn trọng quyền ưu tiên cho trẻ. Nếu bạn hỏi con bạn mời ai đến dự sinh nhật nó, có lẽ nó chỉ đưa ra tên hai đứa trẻ khác. Nếu vậy, đừng nên tổ chức những bữa tiệc truyền thống mà thay vào đó nên dắt nó và rủ thêm những đứa bạn thân nhất đến những điểm vui chơi chúng yêu thích như là sở thú, đi nhà sách..vv. Khi con sắp đến dự sinh nhật của một ai khác, nên đưa nó đến sớm để có giờ chuẩn bị.
NẾU CON LÀ MỘT ĐỨA TRẺ HƯỚNG NGOẠI:
Dạy cho con bạn thấy được tác hại của sự ồn ào. Tiến sĩ Tâm lý học nổi tiếng thế gíới, Elizabeth Murphy, nói: “Những lời tuôn ra từ miệng của một người hướng ngoại thường lọt vào tai người ấy rồi mới len vào não. Những đứa trẻ hướng ngoại nói ra ý tưởng của chúng khi chưa sắp xếp xong, cứ như là chúng đang đi ngao du vậy…” Nhưng khi bạn ngắt lời đứa con hướng ngoại của mình, nó sẽ quên mất chuỗi suy nghĩ của mình. Lúc đó, tốt nhất là khuyến khích nó, nói đi nói lại câu:”À…Hừ” hay “Mẹ biết”, “Bố hiểu…” cho đến khi nó diễn tả được hết ý tưởng.
Dạy con biết đợi đến lượt nó được nói. Bạn có thể giúp con thực hành tính kiên nhẫn bằng việc chuẩn bị bữa ăn tối hay sửa một cái xe đồ chơi trong khi mọi người đang nói chuyện. Dạy nó biết lắng nghe và đợi cho người khác kết thúc câu nói của mình. Thường thì sau giờ học, những đứa trẻ sống hướng ngoại rất hay hăm hở nói với bạn bè về bản thân chúng. Nói chuyện với bạn làm cho nó cảm thấy có nhiều kinh nghiệm. Nếu bạn rất bận việc, ít nhất mỗi ngày nên dành riêng 15 phút để nói chuyện với con.
Dạy con hiểu được bịa chuyện là điều không tốt. Khi nào có giờ rảnh, bạn hãy thử nghe mấy đứa trẻ nói chuyện xem. Ðứa thì bảo chị nó đã học lớp 14, trên áo lúc nào cũng cài hoa. Ðứa khác nói anh nó chẳng khác gì một con chó, một con mèo, một con chim, và ăn được những 5 ổ bánh mì… Chúng chỉ nói những điều trên đây cho thỏa cái tính thích bịa chuyện. Người hướng ngoại hay cố gắng lừa dối bất cứ người nào, nhà tâm lý học Barron Tieger cho biết như vậy. Họ muốn tiến đến các mối quan hệ xã hội và có thể thốt ra lời đầu tiên nhằm ràng buộc người khác. Nếu con trẻ của bạn bịa chuyện lúc bạn đang đứng đó, hãy nói rằng: “Con tưởng tượng giỏi quá đấy”. Ðiều này sẽ làm những người khác biết rằng câu chuyện đó không có thật mà không làm con bạn ngượng ngùng. Khi nào chỉ có một mình bạn với con, hãy nói với nó về tầm quan trọng của tính trung thực.
Dạy con biết chấp nhận khó khăn để làm bất cứ điều gì một mình. Chẳng hạn, bạn để con bạn tự lau phòng của nó, nó sẽ cảm thấy “sức lực cạn kiệt” dần, và nó sẽ chẳng lau xong căn phòng. Những lần đầu, hãy cùng làm với nó, sau đó chỉ đứng cạnh nó, rồi cuối cùng nó sẽ biết nó phải tự làm việc.
Tóm lại, hãy dạy cho con bạn biết mỗi kiểu tính cách có một giá trị riêng của nó. Bởi vì những đứa trẻ hướng ngoại thì rất thích sống có bạn, chúng sẽ lôi cuốn nhiều người khác theo cách sống của chúng. Những đứa trẻ hướng nội có thể ít bạn hơn, nhưng là những người bạn rất gần gũi. Hãy nhớ rằng: Tính cách con cái bạn có thể khác tính cách của bạn, và với sự giúp đỡ của bạn, con cái sẽ có những biến đổi phong phú về tính cách để có được một cuộc sống hạnh phúc.