TẠI SAO NGƯỜI LỚN LẠI DỄ QUÁT MẮNG CON TRẺ

TẠI SAO NGƯỜI LỚN LẠI DỄ QUÁT MẮNG CON TRẺ

Một người mẹ tâm sự: hồi nãy con em đang vui cái gì cứ nhảy tưng trên ghế nệm, em bực quá quát nó: "im ngay không!", có vẻ con hết hồn, mà nằm lăn ra khóc tức tưởi gần 1 tiếng. Giờ nhìn con ngủ, nhưng em thấy hối hận lắm, do một phần mệt vì vừa đi làm về, một phần không kìm được tức giận! Đã ba mẹ nào từng gặp tình huống tương tự thế này chưa ạ?
Quát mắng là hành vi được xem là "lười suy nghĩ" của não bộ chúng ta. Nó thể hiện sự thiếu đánh giá, thiếu suy nghĩ, thậm chí là thiếu ngôn từ. Khi gặp một tình huống gây mệt mỏi, khó chịu, não bộ chọn cách lười biếng này!
Khi chúng ta la mắng con, sẽ rất có thể dẫn đến những tác hại như:
- Kích hoạt hành vi bạo lực ở trẻ
- Ngôn ngữ kém phát triển - điều này thấy rất rõ trong cách trẻ giao tiếp với cha mẹ và bạn bè. Trẻ chỉ thường la, khóc, hay cắn đánh để thể hiện điều trẻ muốn hay không muốn.
- Trẻ trở nên ít tôn trọng người thường la mắng hổ báo. Nhiều người nghĩ rằng la mắng đánh phạt làm trẻ sợ nghe lời, nhưng cách đó chỉ áp dụng với động vật bậc thấp, với loài người bậc cao là một chuyện khác.

Mỗi ngày, thật sự chúng ta đang chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống, công việc và cả trong việc nuôi dạy con, nhưng không nên "giận cá chém thớt" lên đứa trẻ vô tội. Dù không nói ra, nhưng tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy hối hận sau khi la mắng con vô cớ. Đây là tâm lý chung của tất cả mọi người làm cha mẹ.

VẬY CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ KHI LỠ MẮNG CON VÔ CỚ?

Hãy nhận lỗi với trẻ, cho dù con ở bất cứ độ tuổi nào
Nhiều bạn sẽ cho rằng trẻ nhỏ quá, nhận lỗi không có giá trị gì. Nó không nằm ở liệu trẻ có chấp nhận lời nhận lỗi của bạn không, mà là liệu bạn có dũng cảm nhận lỗi không vì đó cũng là cách bạn dạy trẻ thấy: tất cả mọi người ai cũng có lúc mắc lỗi, và dũng cảm nhận lỗi là điều cần làm. Bạn chỉ cần ngồi hay bế trẻ để tầm mắt cả hai ngang bằng nhau, và nói "mẹ xin lỗi vì đã quát con! mẹ yêu con nhiều".

Nhận lỗi với trẻ! Dù trẻ đang có lỗi 

Bạn đã sai khi la mắng hổ báo dù trẻ có lỗi. Đơn giản vì bạn có ngôn ngữ và sử dụng nó thành thạo hơn trẻ ít nhất 2 thập kỷ và có trách nhiệm sử dụng nó đúng để giáo dục trẻ, chứ không la mắng phi ngôn ngữ như vậy. Dù trong trường hợp trẻ sai, bạn vẫn nhận lỗi như trên vì bạn nhận lỗi về cách ứng xử sai của bạn, nhưng không "chiều" theo cách trẻ đang làm sai, bạn vẫn giữ đúng nguyên tắc "đúng" và "sai" trong xử lý hành vi sai của trẻ.
Nếu trẻ làm sai, hãy giải thích tại sao mẹ không đồng ý, mô tả cái gì trẻ đã làm sai và hướng dẫn cách trẻ làm tốt hơn.

Hãy sửa lỗi! Đừng chỉ nhận lỗi.

Cố gắng đừng để sự nhận lỗi về cách ứng xử sai của bạn lập lại. Điều này không hay tí nào! Nó làm mất đi ý nghĩa nỗ lực của bạn để trẻ hiểu: sai cần dũng cảm nhận lỗi và khắc phục.

Đừng chỉ hối hận! Mà tập hồi tưởng

Bạn hãy tập suy nghĩ kĩ về hành vi của trẻ trước khi la mắng. Điều này sẽ có ích rất nhiều trong kiểm soát hành vi ứng xử của bạn. Một chi tiết nhỏ trong câu chuyện người mẹ ở đầu bài "con em đang vui cái gì...". Cái đó là cái gì? Liệu sự la mắng có tắt đi niềm vui, sự sáng tạo của trẻ không? Giá như mình hỏi trẻ, có thể đã có nhiều điều tích cực hơn xảy ra thay vì là dùng la mắng kiểu hổ báo.