SẼ THẾ NÀO NẾU CON KHÔNG ĐƯỢC RÈN LUYỆN EQ TỪ NHỎ? 

SẼ THẾ NÀO NẾU CON KHÔNG ĐƯỢC RÈN LUYỆN EQ TỪ NHỎ? 

Một đứa trẻ không thể nói được cảm xúc của mình khi đang tức giận, đang buồn chúng chỉ biết nổi cáu, vùng vằng và hét lên. Càng lớn, con càng trở nên ngang bướng, ích kỉ và vô lễ với người lớn. Đấy là biểu hiện của việc trẻ có trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp. Trẻ có chỉ số EQ thấp thường thiếu tự tin, không thích giao tiếp, khó kiềm chế bản thân và hay đổ lỗi cho người khác.  Nếu con đang có những dấu hiệu này, ba mẹ phải khắc phục ngay trước khi quá muộn.

 

1. Trẻ mất bình tĩnh, khó kiểm soát được cảm xúc khi không được thỏa mãn một nhu cầu nào đó

Nếu ba mẹ thường xuyên thấy trẻ ăn vạ, làm nũng hoặc khóc lớn khi không vòi vĩnh được một yêu cầu nào đó, hoặc trẻ hay có những hành động phản kháng nhằm thu hút sự chú ý của người lớn để đạt được mục tiêu của mình, đó là dấu hiệu của trẻ có EQ thấp. Ngoài ra, các bé cũng thường hay tức giận và mất bình tĩnh khi thua một trò chơi hoặc trải qua một việc gì đó không suôn sẻ.

2. Trẻ ích kỉ, chỉ tập trung vào cảm xúc của mình

Khi có một món đồ ăn nào đó ngon miệng, hoặc có những trò chơi hay ho thú vị, trẻ sẽ luôn đòi chơi trước, hoặc đòi ăn hết một mình mà không quan tâm đến thái độ, cảm xúc của những người bên cạnh.

3. Trẻ hay phàn nàn và đổ lỗi

Dấu hiệu tiếp theo đó là trẻ luôn phàn nàn và chê bai mọi thứ. Chẳng có điều gì, người nào có thể làm trẻ thấy hài lòng và vui vẻ cả.
Tính cách này rất có hại, dễ dẫn đến tình trạng trẻ không nhận thức được về bản thân mình cũng như những việc xung quanh một cách chính xác, trẻ chỉ luôn thấy điểm xấu của người khác và từ đó bắt đầu nói xấu sau lưng của họ.

4. Nhạy cảm, khó chấp nhận chỉ trích

Thông thường, trẻ nhỏ sẽ luôn thích được khen ngợi (Kể cả người lớn). Tuy nhiên, nếu trẻ có phản ứng mạnh và gay gắt khi bị chỉ trích, phàn nàn thì ba mẹ nên xem lại.
Chúng không sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích sau khi phạm sai lầm, luôn khóc lóc, gây ồn ào hoặc ngỗ nghịch. Nếu như vậy, một khi gặp khó khăn, trẻ sẽ thu mình lại, sợ hãi và không dám đối mặt.

5. Trẻ hay chọc vào nỗi đau của người khác

Trẻ thường đặt biệt danh cho những người xung quanh dựa trên các điểm yếu của người đó, hoặc cố tình chọc ghẹo, xoáy sâu vào nỗi đau, hoặc vào một khuyết điểm của người khác để thỏa mãn tính hiếu thắng. Ba mẹ có thể nghĩ rằng đây là sự thiếu hiểu biết vì trẻ còn quá nhỏ, nhưng thực ra, đây chính là sự kém hiểu biết trong giao tiếp. Và nếu để về lâu về dài thì nó sẽ trở thành một thói quen khó sửa.

6. Hay nói chen, ngắt lời người khác

Trẻ thích nói chuyện, giao tiếp là điều bình thường và cần thiết. Tuy nhiên, việc ngắt lời người khác để chứng tỏ bản thân lại không tốt. Điều này cho thấy trẻ đang thiếu tôn trọng người xung quanh. Thái độ này chính là thể hiện chỉ số cảm xúc của con rất thấp.

7. Độc đoán, không nghe theo lời khuyên của người lớn

Đây là dấu hiệu của những đứa trẻ thiếu tự chủ bản thân và thường gặp nhiều vấn đề trong việc tuân thủ các nội quy, trật tự của xã hội và dễ gặp các vấn đề trong việc giao tiếp cá nhân hoặc giao tiếp trong môi trường xã hội. Nếu trẻ gặp những dấu hiệu trên đây thì đó là biểu hiện của việc EQ thấp, bố mẹ không nên bỏ qua.