PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ HỌC ĐỌC TỪ SỚM SAO CHO HIỆU QUẢ?
Trong những năm đầu đời ở trẻ nhỏ, phương pháp giáo dục nuôi dạy con trong giai đoạn này là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của con sau này. Đồng thời phương pháp dạy trẻ đọc từ sớm cũng là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm và áp dụng cho trẻ. Vậy làm thế nào dạy tre học đọc từ sớm? Ba mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây mà Pantado sẽ chia sẻ cho các bậc phụ huynh nhé!
Dưới góc độ giáo dục
Phương pháp dạy trẻ học đọc ngay từ sớm mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Đọc mở cánh cửa bước vào tri thức của nhân loại. Với kiến thức và kỹ năng tự tích lũy từ sớm, trẻ biết đọc là những đứa trẻ tự tin và tự lập so với bạn bè đồng trang lứa.
Đọc là một kỹ năng nền tảng của học tập. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ biết đọc trước khi đi học có nhiều khả năng học tập tốt hơn. Thay vì việc phải cùng lúc phát triển kỹ năng đọc và tiếp thu khối lượng lớn các kiến thức khoa học – xã hội, bé nên làm chủ việc đọc từ trước để có nhiều thời gian hơn cho những kiến thức và kỹ năng sống quan trọng khác. Trong quá trình đọc, trẻ cũng rèn luyện cho mình tính tập trung và kiên nhẫn.
Bên cạnh đó, học đọc giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng, sử dụng đúng ngữ pháp, tăng khả năng diễn đạt và giao tiếp. Một phần vốn sống được tích lũy thông qua những kiến thức, ý tưởng, hay cuốn sách mà trẻ tiếp xúc. Khi lớn lên, trẻ biết đọc từ sớm sẽ dần hình thành thói quen đọc sách thay vì chọn những hình thức giải trí khác như xem TV hay chơi điện tử.
Hãy nhìn nhận đó như một kỹ năng cơ bản mà bạn cần giúp bé phát triển thuận theo sự phát triển tự nhiên của não bộ, phát huy tiềm năng của bản thân và có một hành trang vững chắc bước vào tương lai.
Dưới góc độ khoa học
Khi trẻ học đọc từ sớm, não bộ trẻ sẽ được vận động sớm. Học đọc sớm đóng vai trò như một loại dưỡng chất cung cấp những kích thích kịp thời để thúc đẩy não bộ phát triển tốt hơn. Theo một số chuyên gia đã nghiên cứu đã chỉ ra rằng, não trẻ ở độ tuổi sơ sinh có tốc độ phát triển nhanh hơn so với các độ tuổi về sau này. Khi bé mới sinh, kích thước não bằng 25% kích thước não người lớn, 6 tháng tuổi là 50%, 1 tuổi là 75%, 2 tuổi là 80% và đến 6 tuổi não bé đã phát triển gần bằng kích thước não người lớn. Càng về sau tốc độ phát triển của não càng chậm lại.
Đồng thời với đó với việc phát triển kích thước, các kết nối quan trọng trong não cũng hình thành từ sớm. Một em bé khỏe mạnh được sinh ra với khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh và gần như là toàn bộ số lượng tế bào thần kinh não bộ sẽ đạt được. Trên các tế bào thần kinh có khả năng mọc lên đến hàng chục nghìn sợi nhánh thần kinh – bộ phận cấu tạo chất xám và các khớp thần kinh – bộ phận đảm bảo thông tin được truyền thông suốt trong não bộ.
Dưới góc độ tâm lý
Dạy trẻ học đọc từ sớm tận dụng giai đoạn tìm hiểu không lựa chọn của trẻ. Nó khởi nguồn từ bản tính tò mò của trẻ, đáp ứng nhu cầu khám phá thế giới vạn vật và khơi dậy khả năng tự thỏa mãn nhu cầu ấy một cách độc lập. Một đứa trẻ sinh ra đời, mở ra trước mắt một cuộc sống mới đầy ắp những điều mới mẻ và lạ kỳ. Vì nắm bắt được tâm lý này của trẻ, cha mẹ và người thân biến quá trình học đọc sớm thành một chuỗi những trò chơi vui vẻ, gắn kết, và nhất là không có áp lực. Ngược lại, ỷ lại vào sự giáo dục của nhà trường có thể sinh ra tâm lý cự tuyệt, đối phó ở trẻ.
Tại sao lại như vậy? Đọc trở thành một nhiệm vụ bắt buộc và trẻ tự ý thức rằng hoạt động vui chơi thường dễ dàng và thú vị hơn hoạt động học tập. Trẻ không ngừng tò mò về mọi thứ diễn ra xung quanh mình. Bé quan sát, sờ, nếm, ngửi, lắng nghe… để tìm hiểu xem chúng là gì và dựa vào thông tin mà bạn cung cấp để định nghĩa chúng một cách cụ thể hơn. Sử dụng giác quan và ghi nhớ chính là cách bé dần xây dựng nhận thức về các sự vật sự việc. Ba mẹ cũng có thể cho rằng bé không cần thiết phải biết đọc mới khám phá được thế giới.
Quan niệm này không sai; nhưng chưa biết đọc nghĩa là bé cũng vô tình bỏ qua một thế giới cũng sinh động và quan trọng không kém – thế giới của sức sáng tạo, trí tưởng tượng và của những tri thức mà chưa chắc bé sẽ tìm thấy từ gia đình hay trong cuộc sống thường ngày. Dạy bé học đọc từ sớm là quá trình giúp bé làm quen với chữ (ấn tượng) bằng nhiều giác quan khác nhau, sử dụng chúng một cách vô thức (ghi nhớ thông qua trải nghiệm) dần tiến đến sử dụng chúng một cách có ý thức (hiểu). Trẻ sớm biết đọc sẽ nhanh tự tư duy, không bị giới hạn bởi nguồn tri thức của bất kỳ ai để thỏa mãn nhu cầu khám phá vô hạn của bản thân. Dạy bé học đọc sớm thực chất là việc bạn khơi dậy động lực nội tại trong bé vì kỹ năng đọc của bé sẽ được hình thành và phát triển dựa trên niềm yêu thích và đam mê. Đây vốn là chìa khóa thành công của con người trong mọi lĩnh vực.
Dưới góc độ khả năng
Nhiều nghiên cứu cho rằng người bình thường trong xã hội mới chỉ khai thác được 3 – 10% khả năng tiềm ẩn của trí tuệ. Vì vậy, hãy bắt tay tạo môi trường tốt giúp phát huy tối đa tiềm năng của trẻ sớm nhất có thể.
Từ 0 – 36 tháng tuổi là lứa tuổi thiên tài về trí nhớ. Trẻ ở lứa tuổi này không học theo suy luận logic hay nguyên tắc nào. Chỉ đơn giản là trẻ tiếp nhận thông tin và ghi nhớ chúng nếu chúng đủ thú vị với trẻ và được lặp đi lặp lại đủ nhiều. Bên cạnh đó, khi trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng học càng nhanh và dễ hơn so với lúc lớn tuổi hơn. Mọi người đều biết rằng em bé có khả năng học nói rất giỏi, nhất là khi được tạo môi trường thuận lợi. Khi bạn để bé 2 tuổi sống trong môi trường ngoại ngữ liên tục thì bé chỉ mất một vài tháng để có thể hiểu và giao tiếp bằng ngôn ngữ đấy một cách thành thạo.
Để con được phát triển kỹ năng đọc ngay từ những năm tháng đầu đời, ba mẹ là người quan trọng trong việc truyền tải thông tin, đồng hành cùng con mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp con phát triển trong tương lai mà còn giúp con hình khả năng đọc sớm hơn. Hy vọng rằng những kiến thức bên trên mà Pantado đã chia sẻ cho các bậc phụ huynh mang lại lợi ích trong quá trình nuôi dạy con của các bậc cha mẹ.