MẸO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ “THÔNG MINH GIẢ” Ở TRẺ

MẸO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ “THÔNG MINH GIẢ” Ở TRẺ

Đã bao giờ các ba mẹ gặp phải tình huống trẻ làm một điều gì đó mà tìm cách nói dối chưa nhỉ? Đó chính là biểu hiện “Thông minh giả” ở trẻ. Ba mẹ có thể hiểu nôm na ra là sự lanh lẹ, sử dụng mẹo vặt nhất thời, các hành động không thể hiện ở chiều sâu hiểu biết, tư duy, về lâu dài không đem lại nền tảng tốt cho bé. Hay từ dân gian còn gọi là “Khôn lỏi”

Dấu hiệu trẻ biểu hiện thông minh giả

Sẽ không khó để ba mẹ nhận biết được sự thông minh giả ở trẻ trong một số tình huống sau đây nhé:

- Con luôn có lý do để không làm một công việc nào đó như học bài, dọn đồ chơi.
- Đôi lúc con thường biện cho lỗi lầm hoặc tệ hơn là lý sự cùn với người đối diện.
- Thường xuyên đùn đẩy để tránh trách nhiệm của bản thân.
- Con đề cao lợi ích của mình như chỉ muốn giữ riêng đồ chơi đồ ăn nhưng tìm mọi cách để chơi hoặc ăn đồ của bạn
- Đôi khi con có hành động ăn hiếp những bạn yếu kém hơn mình.
- Lấy lòng, nịnh nọt những bạn, thầy cô hoặc người đem lại lợi ích cho mình
- Luôn cho mình là đúng, tỏ ra hiểu biết.
Biểu hiện thông minh thật sự ở trẻ:
- Trẻ biết đặt nhiều câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề đang thắc mắc như tại sao, nếu con…thì sẽ như thế nào ạ?...
- Trẻ có trí tưởng tượng phong phú trên hình ảnh hoặc câu chuyện nền tảng.
- Trẻ biết cách bảo vệ bản thân để không bị bắt nạt.
- Trẻ biết khen ngợi, ngưỡng mộ người khác thật lòng, lấy những điểm tốt của người khác để tích lũy kinh nghiệm cho mình và hoàn thiện.
- Trẻ không giấu dốt, thường sẽ đặt câu hỏi ngay khi chưa hiểu vấn đề.

Vậy cần làm gì khi trẻ có biểu hiện “thông minh giả”?

Khi con lý sự cùn, đùn đẩy trách nhiệm.
Ba mẹ cố gắng không cười, hỏi xác nhận lại sự việc, và phớt lờ các lý do con đưa ra. Chẳng hạn “Có phải Bống vừa làm đổ cốc nước ra sàn không, đưa tay/chân mẹ xem nào” và phớt lờ đi việc con nói tại cái ghế vướng đường, tại con muốn đi nhanh tới chỗ mẹ… Về sau khi có mặt con, cũng không đem chuyện này ra kể vui cho mọi người nghe, làm con lầm tưởng điều đó là hay.

Khi con ích kỷ không muốn chia sẻ, nhưng lại luôn tìm cách dùng đồ của bạn bè.
Hãy hỏi con, nếu con bị đối xử như vậy, con sẽ buồn chứ? Nếu bé tự tin trả lời: “Con không bao giờ bị các bạn tranh đồ cả, chỉ có bạn đó ngốc mới bị thôi”. Bạn hãy tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ồ, ra vậy, mẹ thì hay chia sẻ đồ ăn với các cô chú khác lắm, nhưng cô chú không nghĩ mẹ ngốc, mà còn chia lại cho mẹ đồ ăn. Nếu cô chú nghĩ mẹ ngốc thì mẹ sẽ rất buồn và sẽ ước rằng đừng ai đối xử với mẹ như vậy”. Cha mẹ cố gắng đừng phê phán bé, hãy để bé tự cảm nhận việc làm của mình bằng một câu chuyện tương tự.

Khi thấy con lấy lòng, nịnh những người mang lại lợi ích cho con.

Hãy hỏi con: “Con rất thích bạn ấy à, kể mẹ nghe về bạn ấy đi”. Sau khi con kể xong “Ồ, nghe có vẻ bạn ấy rất hay cho con quà vặt. Thế con có cho bạn ấy món gì của con chưa?”. Có thể bé sẽ nói: “Không, con không có gì để cho, mà bạn ấy cũng không cần”. Lúc này hãy giảng giải với con: “Con rất nhiều tài vặt biết kể chuyện, hát hay, múa giỏi... hãy dạy bạn cùng biết thay vì chỉ khen bạn vì  khen nghe xong là biến mất. Con đâu có thua kém gì bạn, không cần xin bạn điều gì, đúng không con?”
Cách đối phó với các mánh khóe của bé.

Ví dụ bé không muốn ngủ trưa nên tới giờ thì quấn lấy ông bà, bảo con thương, con muốn chơi với ông bà hoặc giả ốm để khỏi đi học. Ở trường hợp này này thì đừng vội lật tẩy bé, bé cảm thấy xấu hổ, sẽ càng cứng đầu tỏ ra oan ức thì khó trị hơn. Hãy hỏi lại “Con rất thích đi học nhưng vì đau bụng mà con không đi được thôi phải ko?” – Tất nhiên bé sẽ Dạ – “Nếu thích như vậy thì sau khi con khỏe, mẹ sẽ chở con lên nhà cô giáo học lại bài hôm nay bù vô nhé. Mỗi ngày cũng sẽ đăng kí cho con học thêm ở nhà cô”. Lúc này bé sẽ mếu máo không biết làm sao, bạn hãy gợi ý bé nói thật “Nếu con không muốn đi học, con cứ nói với mẹ nhé. Mẹ và con sẽ cùng thương lượng. Có thể con sẽ ở nhà tự học 1 hôm thay vì đến lớp, con nhé. Nếu đau bụng rồi thì phải nằm mãi trên giường, cũng không được chơi đồ chơi rồi, mẹ cũng có thể đưa con đi bác sĩ để kiểm tra xem con có bị sao hay không nữa”… Hãy để con tự nhận ra bài học bằng sự góp ý nhẹ nhàng, tránh làm bé xấu hổ hay suy nghĩ tiêu cực.

Đôi khi với sự phản ứng nhanh của bé là tín hiệu đáng vui, nhưng ba mẹ hãy quan sát và chú ý để bé thật sự thông minh linh hoạt thay vì thông minh giả. Và để con không lặp lại việc đó, hãy là người gương mẫu cho bé noi theo ba mẹ nhé.