Bọn trẻ trong nhà suốt ngày cãi nhau - nguyên nhân và cách khắc phục

Bọn trẻ trong nhà suốt ngày cãi nhau - nguyên nhân và cách khắc phục

Khi một gia đình có các bé sàn sàn tuổi nhau chuyện các bé cãi vã và chành chọe là không tránh khỏi. Cha mẹ mặc dù rất đau đầu nhưng lại không tìm được cách giải quyết. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp hợp lý cho vấn đề này qua bài viết sau nhé.
"Hôm nọ, ông bà nội con tôi sang nhà tôi chơi, ông đã hơn 80 tuổi rồi, trộm vía vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Cũng như những người già khác, chúng ta thường thấy bố mẹ mình có nhiều hành động gọi chung là “lẩm cẩm”. Hôm đó ông sang chơi, đột nhiên cậu bé con tôi chạy ra nói thầm với bố mặt rất hể hả như phát hiện ra thêm 1 thói “lẩm cẩm” của ông: “Bố ơi, ông giặt cái khẩu trang dùng 1 lần lại kìa!”.
Tôi giật mình. Thực ra cu cậu không sai vì nhìn thấy ông đeo cái khẩu trang giặt lại xù cả lông lên cũng lẩm cẩm thật. Nhưng cái tôi giật mình là tôi nhận ra: thôi chết, con tôi bắt đầu “soi” ông nó y hệt bà nội. Tôi chợt nhận ra mỗi lần bà nội lôi tôi ra thì thầm mách tội ông lẩm cẩm thì vô tình lọt vào tai cậu bé và đó là cái nhân,
để bây giờ con tôi nhận cái quả là nó soi ông hệt như một “bà già khó tính” vậy.
 
 
Con cái là phiên bản copy của người lớn quả là không sai. Nhìn rộng hơn, tôi nhớ ra câu chuyện nhà tôi. Tôi có 2 con, hai chị em cách nhau 6 tuổi. Hai chị em ngày trước ăn nói với nhau rất tệ. Thường xuyên mắng nhiếc, đấu khẩu, cãi vã và không bao giờ thông cảm cho nhau. Vợ chồng tôi đã rất khổ vì mỗi ngày nghe các cuộc khẩu chiến, cãi vã của hai chị em… Không ít lần vợ chồng tôi mắng cô chị: “Nó là em con cơ mà!!!”. Và bó tay, vợ chồng tôi thường giải thích với nhau an ủi là: “Hai chị em khắc tuổi nhau nên vậy!”
Nhưng từ khi tôi bắt đầu biết dừng lại quan sát và được học, đọc sách về cách dạy con đúng đắn, tôi đã thay đổi được cách hai con giao tiếp với nhau. Tôi quyết tâm làm một cuộc cách mạng về giao tiếp trong gia đình. Và nó bắt đầu từ tôi.
Lắng nghe, tôn trọng, xin lỗi và cảm ơn là công cụ tôi sử dụng với hai con. Tôi ép mình áp dụng những công cụ này mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc với từng con. Khi gặp điều không hài lòng với con, tôi lắng nghe con giải thích trong sự tôn trọng. Nếu tôi sai, tôi chân thành xin lỗi con. Nếu con giúp đỡ tôi, dù chỉ là xới cơm cho bố trong bữa ăn tôi cũng nhận lấy với câu cảm ơn giản dị… Điều quan trọng là tôi không dạy các con các giao tiếp với nhau mà tôi dùng sự giao tiếp đúng đắn của mình với các con mỗi ngày để “độ” cho các con.
Thời gian trôi đi, chẳng biết từ bao giờ, hai con không còn cãi nhau nữa. Xung đột giữa hai con là rất hiếm. Hai con thương nhau, thông cảm và tôn trọng nhau hơn, hai con biết cảm ơn và xin lỗi nhau. Và không khí gia đình an bình và hạnh phúc trở lại.
Đôi khi vẫn có xung đột chị em nhưng chỉ cần tôi nhẹ nhàng hoà giải trong tôn trọng và cảm thông là êm ấm.
Đôi khi tôi cũng bị thói quen ùa về rồi mắng em trước mặt chị. Nhưng ngay lập tức tôi dừng ngay vì sợ chị em chúng lại copy hành xử đó với nhau và tôi sẽ lãnh hậu quả. Tôi đã phải tự điều chỉnh ngay."
 
Tôi viết ra chia sẻ những điều này để giúp những bố mẹ đang loay hoay với cuộc chiến giữa những đứa trẻ trong nhà. Chúng chính là bản sao của chúng ta thôi.
Khi ta thay đổi, con cái ta thay đổi!