7 nỗi khổ mà càng yêu con, càng phải cho con đương đầu và học cách đón nhận

7 nỗi khổ mà càng yêu con, càng phải cho con đương đầu và học cách đón nhận

Trên thế giới, mỗi bà mẹ lại có cách nuôi dạy con cái của riêng mình. Cách dạy con của mỗi người ít nhiều lại có những điểm tương đồng hoặc khác nhau nhất định.
 
“Đại bàng mẹ vì muốn dạy cho đại bàng con tập bay, đã đưa đại bàng con lên đỉnh một vách đá cao, rồi bất ngờ thả ra để đại bàng con rơi xuống vực.
Vì để sống sót, đại bàng con ra sức vỗ đôi cánh non nớt của mình. Và cuối cùng, một giây trước khi rơi xuống đáy vực, nó đã thành công cất cánh bay ngược trở lên.”
Con người chúng ta cũng giống như vậy.
Khi con còn nhỏ, nếu cha mẹ chỉ biết thương yêu đùm bọc chiều chuộng con mà quên mất việc chỉ bảo con những kỹ năng trong cuộc sống, đợi đến khi con trưởng thành mới bắt đầu cho ra ngoài xã hội va chạm, con sẽ không biết làm sao để chống chọi lại những phong ba bão táp của cuộc đời.
Sự nuông chiều đùm bọc của cha mẹ vô tình cắt đi đôi cánh của con trẻ.
Mầm non ươm trồng trong nhà kính sẽ chẳng thể nào trở thành cây đại thụ vươn tới tận mây xanh.
Những đứa trẻ luôn sống trong mật ngọt sẽ chẳng thể nào biết cách đối mặt với những thử thách của xã hội.
Cho dù bạn có thương, có yêu con đến đâu, thì bạn cũng phải để con trải qua bảy nỗi khổ sau thì mai này nó mới có sức gồng gánh tương lai.1. Nỗi khổ học hành
Cuộc đời của mỗi con người chúng ta vốn chẳng có thứ gì là do định mệnh an bài cả, mà tất cả là do bản thân ta nỗ lực mà thành.
Những học sinh có xuất thân khốn khó đến đâu, chỉ cần chăm chỉ học hành thi đậu vào trường đại học danh giá, chúng đều có thể thay đổi vận mệnh của mình.
Ông cha ta có câu:"Cần cù bù thông minh" - một người cho dù tiếp thu có chậm đến đâu, nhưng chỉ cần người đó chăm chỉ học tập, họ vẫn có thể là một người trí tuệ.
Tương lai của một người chăm chỉ học hành với một người lười học sẽ hoàn toàn khác hẳn nhau.
Những đứa trẻ lười học, thời đi học sẽ rất nhàn nhã và thoải mái. Lúc người khác học thì mình chơi, người khác chăm chú nghe giảng thì mình lại nghĩ ngợi viển vông.
Nhưng khi lớn lên, những người không có kiến thức, chỉ có thể làm những công việc mệt nhất, sống một cuộc đời đầy chật vật.
Sướng trước khổ sau, nếu nửa đời đầu lười biếng thì chắc hẳn nửa đời sau vất vả bù lại. Học hành mặc dù rất vất vả nhưng không học thì còn vất vả hơn.
Nỗi khổ của học hành các bậc cha mẹ nhất định phải để con trẻ trải qua ngay từ khi còn bé. Khi còn bé cực khổ càng nhiều, tương lai của con mới càng trở nên tươi sáng.

2. Nỗi khổ lao động

Lao động là vinh quang, nhưng đồng thời lao động cũng là việc vất vả và mệt mỏi nhất.
Những người sẵn sàng đổ mồ hôi, hăng say lao động sẽ luôn tạo ra được những thành tựu xuất sắc. Cuộc sống của họ sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Có một câu nói rất hay:
"Càng không nỡ dùng con, thì con trẻ ngày càng trở nên vô dụng."
Cha mẹ khuyến khích con cái làm việc nhà, năng lao động không chỉ là chia sẻ trách nhiệm gia đình với con, mà còn để con hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của lao động.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ yêu thích lao động khi lớn lên sẽ dễ tìm việc hơn, có nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống hơn. Đây là điều mà những đứa trẻ lười lao động không có được.
Yêu con không phải là luôn để cho con sống trong sự nuông chiều bảo bọc của cha mẹ, mà là buông tay con ra, tập cho con thói quen tự lập.
Lao động là nguồn giáo dục tốt nhất. Những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa đều sẵn sàng giáo dục con cái thông qua lao động.

3. Nỗi khổ từ việc bị phê bình, khiển trách

Nuôi con thì dễ, dạy con mới khó.
Có biết bao bậc cha mẹ vì thương con mà không nỡ phê bình con, khiến con cái ngày càng không hiểu chuyện, ngày càng trở nên ngang bướng.
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Khi một đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ phải biết loại bỏ, uốn nắn những tính xấu của con.
Cha mẹ nào không nỡ phê bình dạy dỗ con, họ đang dung túng nuông chiều con cái.
Phê bình chắc chắn sẽ làm cho trẻ buồn, nhưng vì buồn thì trẻ mới biết mình chưa làm tốt chỗ nào, mình sai chỗ nào để lần sau có thể làm tốt hơn.
Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục đan xen giữa nghiêm khắc và khoan dung, thưởng phạt nghiêm minh.
Người xưa có câu: "Cây bé phải tỉa, con bé phải dạy".
Những cây non đang lớn chỉ sau khi được cắt tỉa mới có thể phát triển tốt hơn. Những đứa trẻ đang trưởng thành sẽ càng trở nên ưu tú nếu chúng được dạy bảo tốt.
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Nghiêm khắc chính là yêu thương con trẻ, tha thứ bao dung là hủy hoại. Chỉ có những phê bình góp ý của cha mẹ mới có thể thúc đẩy sự tiến bộ và trưởng thành của trẻ.

4. Nỗi khổ suy nghĩ

Khổng Tử có câu: "Học mà không suy nghĩ thì vô dụng, còn nghĩ mà không học thì cũng coi như bỏ đi".
Một số trẻ cảm thấy việc học là đến lớp đúng giờ, làm bài tập đúng giờ, nếu thành tích tốt thì vui còn thành tích mà không tốt thì là do mình dốt.
Trên đời này không có đứa trẻ nào sinh ra đã dốt cả, mà chúng đều là những đứa trẻ "do lười biếng mà trở nên dốt nát mà thôi".
Những đứa trẻ này không tích cực động não, không chịu suy nghĩ cách giải quyết vấn đề khiến bản thân rơi vào trạng thái tê liệt.
Tất cả sự trì hoãn, thụ động, chán học, thành tích học tập thụt lùi hay trì trệ đều là do trẻ lười suy nghĩ.
Để rèn luyện một đứa trẻ chăm chỉ học tập, cha mẹ phải quản thúc con một cách thích hợp.
Thái độ của cha mẹ phải luôn dịu dàng, nhưng đồng thời cũng phải nghiêm khắc. Tôn trọng con, đặt ra mục tiêu cho con, con sẽ biết mình cần làm gì, và cũng sẽ tự nguyện làm theo.
Chỉ có để trẻ siêng năng học tập, kiên trì suy nghĩ thì mới có thể thoát khỏi "sự ngu ngốc do lười biếng mà thành".
Cha mẹ phải quản thúc con, không dung túng, không lười biếng để trẻ thực sự cảm nhận được lợi ích của việc học.

5. Nỗi khổ nghèo đói

Tôi từng đọc qua một bài báo có tiêu đề "Người giàu càng chăm chỉ, người nghèo càng ham chơi" và đồng cảm sâu sắc với bài viết này.
He You Jun mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng anh ấy lại luôn nỗ lực chăm chỉ hơn rất nhiều so với các bạn bè đồng trang lứa.
Vì vậy, anh không những trở thành thạc sĩ tài chính trẻ tuổi nhất của Học viện Công nghệ Massachusetts mà còn năm năm liên tiếp giành huy chương vàng Olympic môn toán học nước Anh.
Ngược lại, thành tích của những đứa trẻ có gia cảnh không mấy khá giả lại đáng quan ngại.
Có những bậc cha mẹ điều kiện gia đình chỉ ở mức trung bình, nhưng lại dành tất cả những gì tốt nhất cho con cái, khiến con không có khái niệm đồng tiền tiêu xài phung phí.
Lại có những bậc cha mẹ nuông chiều con cái vô điều kiện và lo cho con mọi thứ, khiến con trẻ thụ động lười biếng và ỷ lại.
Hãy để cho con trẻ trải qua nghèo đói, khổ cực thì chúng mới hiểu được cuộc sống ngoài kia khó khăn và vất vả đến nhường nào, để mà biết tự giác nỗ lực.
"Giàu có" thực sự không phải là thỏa mãn trẻ về mặt vật chất, mà là để rèn luyện cho trẻ tính tự lập, mạnh mẽ, là người có tri thức.

6. Nỗi khổ khi cố gắng kiên trì, bền bỉ

Các bậc cha mẹ có lẽ đều thấu hiểu, khi trưởng thành con người đều sẽ hối tiếc một số chuyện trong quá khứ.
Hối hận bản thân không học một sở trường nào đó, để rồi khi trưởng thành bản thân cứ mờ nhạt không có gì nổi bật.
Hối hận bản thân đã không cố gắng chăm chỉ học hành, để rồi khi trưởng thành không được sống cuộc sống như mong muốn.
Vì vậy cha mẹ hãy để con trẻ trải qua những đắng cay của kiên trì bền bỉ.
Để trẻ học cách kiên trì, không phải là để chúng chịu những nỗi đau da thịt, mà là để chúng trải nghiệm cảm giác tự chạy đua với chính mình.
Không phải vì muốn chúng trở thành một người thành công, mà là muốn chúng học được cách khi làm bất cứ việc gì, chỉ cần kiên trì đến cùng thì cũng đều là chiến thắng.
Dạy con biết kiên trì là dạy nó đam mê với mọi thứ, có mục tiêu, có tầm nhìn và sẵn sàng kiên trì bất kể khó khăn hay thất bại.
Trong cuộc sống luôn có những điều hối tiếc và chỉ có sự kiên trì mới có thể hóa giải được chúng.
Hạnh phúc thực sự là thành quả đánh đổi từ sự kiên trì bền bỉ.
Nếu bạn chưa từng mệt mỏi đến tận cùng, bạn sẽ không thể hiểu được thế nào là cảm giác hạnh phúc tột độ.
Trên con đường giáo dục, người không nên lười biếng nhất lại chính là cha mẹ, còn người không nên lơ là nhất chính là con trẻ.
Kiên trì đến cùng những gì nên kiên trì mới là có trách nhiệm đối với con cái.

7. Nỗi khổ thất bại

Trong cuộc sống luôn có những điều không như ý ta muốn.
Những bậc cha mẹ kém hiểu biết thì chỉ biết trách móc khi con làm sai hoặc làm không đúng ý cha mẹ, khiến cho trẻ trở nên rụt rè nhút nhát.
Những bậc cha mẹ có tầm hiểu biết rộng, họ không chỉ nói cho con biết làm thế nào mới thành công mà còn dạy con biết cách đối mặt với thất bại.
Trên con đường trưởng thành luôn có những đoạn đường gập ghềnh trắc trở, cha mẹ phải dạy con học cách chấp nhận thất bại, vì đó là liều thuốc tốt nhất cho sự trưởng thành của con.
Tâm trí được mài dũa bởi những thất bại sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, cuộc sống đã được tôi luyện bởi thất bại sẽ trở nên sáng lạn hơn.
Càng đối mặt với khó khăn, bạn càng phát hiện ra tài năng của một người. Chỉ khi đủ dũng cảm vượt qua giông bão cuộc đời thì mới có thể mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng hơn.
Sống cả một đời, nếu bây giờ không chịu khổ, thì tương lai nhất định sẽ khổ.
Vì tương lai con trẻ, cha mẹ hãy buông tay ra để chúng trưởng thành đi.
~ CafeF ~ Những điều tinh túy.