1001 CÂU HỎI "VÌ SAO" Ở TRẺ VÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA CHA MẸ
Ở trẻ nhỏ, chúng có bản tính tò mò thích khám phá những thứ mới nên con sẽ luôn hỏi mẹ “vì sao”, “tại sao”. Dựa vào những câu hỏi của con mẹ biết được chúng đang cần tìm hiểu cuộc sống xung quanh và hình thành dần lên những tư duy logic ở trẻ.
Đã bao giờ bạn thường gặp những câu hỏi kiểu như thế này:
- Tại sao máy bay lại bay được vậy ạ?
- Tại sao bầu trời lại có màu xanh thế mẹ?
- Mẹ ơi, tại sao trái bắp lại có râu?
- Tại sao mẹ lại có tóc dài còn ba lại để tóc ngắn?
- Tại sao hoa cũng có cánh nhưng không bay được như chim hả mẹ?
Những câu hỏi ngộ nghĩnh của trẻ tuy non nớt nhưng ẩn đằng sau đó là cả một quá trình: mắt quan sát, tai lắng nghe, óc so sánh, kết nối các dữ kiện khác nhau lại thành nhóm, sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt thành câu hỏi.
Thế nhưng, rất nhiều cha mẹ thú nhận rằng, khi nghe con liên tục hỏi “tại sao?” thường có hai cách phản ứng. Một là gạt phăng câu hỏi của trẻ đồng thời nóng giận nói “Trẻ con biết gì mà hỏi”. Thứ hai là trả lời qua loa cho xong chuyện.
Do đó, cha mẹ cần quan tâm đến việc hình thành và định hướng thói quen hỏi nhiều cho trẻ ngay từ bé và học cùng trẻ một cách tích cực qua những câu hỏi.
Vậy ba mẹ nên trả lời những câu hỏi đó như thế nào là hợp lý?
Cách 1: "Mình cùng khám phá theo cách khác nhé"
Trẻ con học được rất nhiều điều qua quá trình khám phá sự vật, hiện tượng. Nếu con muốn đổ một ly nước hoa quả ra sàn, hãy gợi ý con lấy một ly nước khác và đổ vào chậu. Đừng vội quy kết rằng con đang nghịch ngợm và phá phách, con chỉ đang muốn xem đổ nước ra sàn sẽ như thế nào thôi mà. Nếu bố mẹ cứ gào thét và cấm đoán, con sẽ càng nghịch ngợm hơn.
Cách 2: "Con tự nghĩ nhé"
Khi trẻ thắc mắc điều gì đó, bố mẹ đừng vội trả lời ngay. Nếu trả lời ngay, trẻ sẽ hình thành tâm lý ỷ lại, lười suy nghĩ và bị động. Thay vào đó, bạn hãy nói: “Con tự nghĩ nhé, mẹ không biết” hoặc “Theo con thì tại sao lại như vậy?”
Cách 3: "Mình cùng hỏi chuyên gia nhé"
Cách này càng khiến trẻ tò mò và hồi hộp chờ được nhận câu trả lời hơn. Cha mẹ có thể nhờ sự trợ giúp từ mạng Internet, trong sách báo, tài liệu để tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc của trẻ.
>>Có thể bạn quan tâm: Trẻ giả vờ “ốm” nguyên nhân do đâu và những điều cha mẹ cần biết